Lịch sử Obi (khăn thắt lưng)

Một người phụ nữ Nhật Bản đang thắt obi cho một geisha vào đầu thập niên 1890.

Trong thời kỳ đầu, một chiếc obi là một sợi dây hoặc một chiếc khăn quấn dạng dây băng, dài khoảng 8 xentimét (3,1 in). Obi của nam và nữ lúc đó tương tự nhau. Vào đầu thế kỷ XVII, cả phụ nữ và đàn ông đều đeo một dạng obi dây băng. Vào những năm 1680, chiều dài obi của phụ nữ đã dài gấp đôi so với kích thước ban đầu. Trong những năm 1730, obi của phụ nữ rộng khoảng 25 xentimét (9,8 in), và đến cuối thế kỷ XIX đã rộng khoảng 30 xentimét (12 in). Vào thời kỳ đó, dây băng và dây buộc riêng đã đóng vai trò cần thiết để giữ cho obi cố định. Obi của nam có chiều rộng lớn nhất vào những năm 1730, vào khoảng 16 xentimét (6,3 in).[3]

Trước thời kỳ Edo, bắt đầu vào khoảng 1600, những bộ kosode của phụ nữ được thắt lại bằng một chiếc khăn rộng quấn ở hông.[4] Cách thức đính tay áo rộng vào phần thân của trang phục sẽ có thể cản trở việc sử dụng loại obi rộng hơn. Khi tay áo của kosode bắt đầu được may dài hơn (tức là tăng chiều dài) vào đầu thời kỳ Edo, obi cũng được làm rộng hơn. Có hai lý do cho điều này: trước tiên, để đảm bảo sự cân bằng về thẩm mỹ của trang phục, tay áo dài hơn cần có một chiếc khăn quấn rộng hơn để đi kèm với chúng; thứ hai, không giống như hiện nay (nơi mà chúng chỉ là thói quen của phụ nữ chưa kết hôn), phụ nữ đã kết hôn cũng mặc bộ kimono dài tay vào những năm 1770. Việc sử dụng tay áo dài mà không để phần dưới cánh tay mở sẽ gây cản trở hoạt động rất nhiều. Phần mở dưới cánh tay này tạo không gian thậm chí cho loại obi rộng hơn nữa.[3]

Ban đầu, tất cả obi đều được thắt ở mặt trước. Sau đó, thời trang bắt đầu ảnh hưởng đến vị trí của nút thắt, và obi có thể được thắt ở bên hông hoặc sau lưng. Khi obi trở nên rộng hơn, các nút thắt cũng lớn hơn, và việc thắt obi ở phía trước bắt đầu trở nên cồng kềnh. Vào cuối thế kỷ XVII, obi hầu hết được thắt lại ở phía sau. Tuy nhiên, phong tục này không được thiết lập một cách vững chắc trước khi bắt đầu thế kỷ XX.[3]

Vào cuối thế kỷ XVIII, một kiểu mẫu thời trang kosode mới cho phụ nữ xuất hiện với đường viền áo được may dài tới mức có thể kéo lê phía sau khi ở trong nhà. Khi đi ra khỏi nhà, phần trang phục dư được buộc lại bên dưới obi bằng một dải vải rộng gọi shigoki obi. Kimono đương đại cũng được làm tương tự như vậy trong một thời gian dài, nhưng không được làm để kéo lê dưới đất; phần vải dư được gắn với hông, tạo thành một nếp gấp gọi là ohashori. Shigoki obi vẫn được sử dụng, nhưng chỉ cho mục đích trang trí.[3]

Dạng obi trang trọng nhất ngày nay đang trở nên lỗi thời. Loại khăn maru obi dài và nặng ngày nay chỉ được sử dụng bởi maiko và các cô dâu như một phần trong trang phục đám cưới của họ. Loại khăn nhẹ hơn là fukuro obi đã thay thế vị trí của maru obi. Loại khăn ban đầu được dùng hằng ngày là Nagoya obi là loại obi phổ biến nhất được sử dụng ngày nay, và những loại rực rỡ hơn thậm chí có thể được chấp nhận là một phần của trang phục bán nghi lễ. Việc sử dụng musubi, các nút mang tính trang trí, cũng đã bị thu hẹp lại, bây giờ phụ nữ thắt obi của họ gần như chỉ bằng loại nút đơn giản taiko musubi, "nút cái trống".[5] Loại khăn tsuke obi với nút được thắt sẵn cũng đang trở nên phổ biến.

Cơ sở dệt Tatsumura, nằm ở Nishijin, Kyoto, ngày nay là một trung tâm sản xuất loại phụ kiện này. Được sáng lập bởi Heizo Tatsumura I vào thế kỷ XIX, cơ sở này nổi tiếng với việc tạo ra một trong số những obi sang trọng nhất.[6] Trong số những học viên của ông phải kể đến Dōmoto Inshō, người sau này trở thành một họa sĩ. Kỹ thuật Nishijin-ori rất phức tạp và có thể có hiệu ứng ba chiều, có thể có giá trị lên đến 1 triệu yên.[7][8][9]

"Học viện Kimono" được sáng lập bởi Kazuko Hattori vào thế kỷ XX, nơi đây có dạy cách làm thế nào để thắt một obi và đeo nó đúng cách.[10][11][12][13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Obi (khăn thắt lưng) http://www.gojapango.com/fashion/obi_types.html http://www.ichiroya.com/glossary.htm http://www.ichiroya.com/moreaboutobi/moreaboutobi.... http://www.japanesekimono.com/childrens_kimono.htm http://kimonomuseum.com/ http://www.kimonoplace.com/glossary.html http://www.traditional-japanese-kimono.com/Kimono-... http://www.ui-kimono.com/obi/index.html http://www.yoshinoantiques.com/kimono.html http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh85093650